Trong 10 năm qua, Việt Nam đã triển khai thành công hoạt động mã số mã vạch (MSMV) với việc tham gia vào tổ chức MSMV quốc tế. Tuy vậy, các doanh nghiệp, tổ chức mới tập trung khai thác chủ yếu các loại mã vạch một chiều truyền thống.
Hội nghị Chất lượng Việt Nam lần thứ 6
Nhận xét trên do Bộ Khoa học-Công nghệ (KH&CN) đưa ra tại Hội nghị Chất lượng Việt Nam lần thứ VI. Hội nghị do Bộ KH&CN tổ chức, khai mạc sáng 27/10 với chủ đề ""Năng suất Chất lượng - Chìa khoá Phát triển và Hội nhập"" và sẽ kéo dài tới hết ngày 28/10.
Được biết, trong Thập niên Chất lượng 1996-2005, hàng vạn mặt hàng mang MSMV của Việt Nam với ba số đầu 893 đang được lưu thông trên thị trường trong và ngoài nước.
Áp dụng MSMV giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất, chất lượng và giảm các chi phí không cần thiết nhờ hệ thống đánh số đơn nhất, chính xác và quét tự động mã vạch. Không chỉ bó hẹp ở các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, hoạt động MSMV cũng được mở rộng cho một số lĩnh vực khác như thẻ nhân sự, quản lý hành lý, khách hàng ở sân bay...
Hiện cả nước có hơn 4.600 doanh nghiệp đang áp dụng MSMV. Tuy vậy, Việt Nam mới chủ yếu khai thác các loại mã vạch một chiều truyền thống.
Các loại mã và công cụ nhận dạng tự động khác như nhận dạng bằng tần số radio đang ở giai đoạn nghiên cứu, chưa có biện pháp hiệu quả để các tổ chức, doanh nghiệp áp dụng.
Đây chính là thách thức cần phải giải quyết trong hoạt động MSMV của Việt Nam giai đoạn 2005-2010 - theo nhận định của Bộ KH-CN. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần thúc đẩy áp dụng MSMV trong truy nguyên thực phẩm, trong y tế cộng đồng, quản lý công chức và chứng minh thư nhân dân .
-------------------------------------------------------------
|